Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA



LỜI CHÚA :
“Ấy vy, Cha ca Thy trên tri cũng s đi x vi anh em như thế, nếu mi người trong anh em không hết lòng tha th cho anh em mình." ( MT 18,35 )
SUY NIỆM :
Hình ảnh tên đầy tớ độc ác túm lấy cổ áo người bạn để đòi nợ và tống ngục anh này vì không có tiền trả nợ, phản chiếu  bản tính xấu xa, vô ơn bạc nghĩa của con người chúng ta ngày nay. Thật vậy, Thiên Chúa Cha ở trên trời luôn sẵn lòng tha thứ hết lỗi lầm này đến lỗi lầm khác cho chúng ta khi hết lòng cầu xin Người. Thế nhưng hầu như chúng ta quên mất rằng mình cũng là con người đầy lỗi lầm, thiếu xót, và đã được Thiên Chúa thứ tha như thế nào, nên  khi có người anh em nào lỡ xúc phạm đến mình dù chỉ là ánh mắt  hay lời nói, thì chúng ta lại cứ ghim chặt trong lòng mà không thể thứ tha hay bỏ qua cho nhau được. Có khi lỗi lầm của ai đó bị chúng ta nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp, làm  người khác tổn thương, day dứt mãi. Với bản tính yếu đuối , ích kỷ của con người, thật không dễ dàng gì để có thể tha thứ cho người khác trong sự cảm thông, vui vẻ. Nhưng  chúng ta tin tưởng rằng với sự trợ giúp của Chúa và trong tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ làm được.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa là Đấng giàu lòng tư bi nhân hậu, con cảm tạ ơn Ngài vì đã không chấp tội con mà lại thương ban cho con và gia đình con hết  ơn này đến ơn khác. Xin Ngài dạy con luôn biết tha thứ để cũng được Ngài thứ tha. Amen.

ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA !



Đừng phạm tội nữa (17.3.2013 – Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C)

Lời Chúa: (Ga 8,1-11)
1 Lúc ấy, Ðức Giêsu đến núi Ôliu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Ðền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Ðức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Ðức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” 11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Ðức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Suy Niệm
Bị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.
Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình
thì thật là kinh khủng.
Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù,
bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.
Trời tang tảng sáng, nơi Ðền Thờ Giêrusalem,
Ðức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.
Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.
Các kinh sư và pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình.
Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có
để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.
“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này
Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.
Ðức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê,
và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình.
Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.
Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào
hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.
Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.
Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.
“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi.”
Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.
Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng,
bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.
Ai dám tự hào mình vô tội?
Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.
Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.
Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.
Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.
Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.
Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình.
Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.
Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.
Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.
Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.
Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.
Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.
Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói:
“Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi,
từ nay đừng phạm tội nữa.”
Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.
Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu,
nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.
Ðức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người,
Ngài còn làm sống lại một đời người.
Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã,
nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.
Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt
còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.
 Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐTC PHAN-XI-CÔ




Bài giảng đầu tiên của ĐTC Phan-xi-cô
Đăng bởi Nguyễn Tuân Phục | 15/03/2013 | Số lần xem: 557 | 0 |
Xin gởi đến quý độc giả Bài Giảng Đầu Tiên của ĐTC Phan-xi-cô. Đây là bài giảng trong Thánh Lễ kết thúc mật viện được cử hành trong nhà nguyện Sistine vào ngày 14/03 với các Hồng Y cử tri. ĐTC đã giảng bài này cho các Hồng Y với một phong thái tự do, không phải cầm giấy đọc bài giảng đã biên soạn trước, nên bài giảng này có tính văn nói nhiều.
Giáo Hội chỉ tiến lên khi chúng ta bước đi, xây dựng, và tuyên xưng Đức Ki-tô vác Thập Giá
Nơi ba bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, tôi thấy có một điểm chung, đó là chuyển động. Trong bài đọc 1, sự chuyển động trong sự bước đi; trong bài đọc 2, chuyển động nơi việc xây dựng Giáo Hội; trong bài đọc 3, bài Tin Mừng, chuyển động nơi sự tuyên xưng. Bước đi, xây dựng, tuyên xưng.
Bước đi. “Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Ðức Chúa soi đường!” (Is 2,5). Đây chính là điều đầu tiên Thiên Chúa nói với Abram: Bước đi trong trong sự hiện diện của ta và người sẽ không có điều gì có thể chê trách. Bước đi: cuộc sống của chúng ta là một cuộc bước đi, bao lâu chúng ta tự dừng lại thì mọi sự sẽ không ổn. Luôn luôn bước đi, trong sự hiện diện của Chúa, với ánh sáng của Chúa, như thế chúng ta tìm kiếm để sống một cách không thể chê trách mà Thiên Chúa đã mời gọi Abram, trong lời hứa của Ngài.
Xây dựng. Xây dựng Giáo Hội. Người ta nói về đá: những viên đá có sự vững chắc; nhưng những viên đá sống, những viên đá được nâng đỡ bởi Thánh Thần. Xây dựng Giáo Hội, hiền thê của Đức Ki-tô, trên Tảng Đá Góc Tường chính là Chúa. Đây là một chuyển động khác trong đời sống của chúng ta: xây dựng.
Thứ ba, tuyên xưng. Chúng ta có thể bước đi khi chúng ta muốn, chúng ta có thể xây dựng nhiều thứ, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, thì mọi sự sẽ không ổn. Khi người ta không bước đi, người ta tự dừng mình lại. Khi người ta không xây dựng trên đá, điều gì sẽ xảy ra? Sẽ xảy chính điều sẽ xảy ra cho những đứa con nít trên bãi biễn khi chúng làm những tòa nhà bằng cát, tất cả mọi sự sẽ sụp đổ tan tành vì thiếu vững chắc. Còn khi người ta không tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, điều này gợi tôi nhớ đến câu nói của Leon Bloy: “Ai không cầu nguyện với Chúa, thì sẽ cầu nguyện với ma quỷ”. Khi nào người ta không tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, người ta tuyên xưng tính thế tục của sự dữ, tính thế tục của ma quỷ.
Bước đi, xây dựng, tuyên xưng. Nhưng mọi sự không dễ như thế, bởi vì trong việc bước đi, xây dựng, tuyên xưng, có khi chúng ta buồn chán, có nhiều động lực không thật sự là động lực tiến tới: là những động lực kéo chúng ta thụt lùi.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục với một tình huống rất đặc biệt. Chính Tảng Đá (Phê-rô), người đã tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô: Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con theo Thầy, nhưng chúng ta đừng nói về Thập Giá. Chúng ta không đi vào con đường đó. Con theo Thầy với tất cả những khả thể khác, không có Thập Giá. Khi chúng ta bước đi trên con đường không có Thập Giá, khi chúng ta xây dựng không có Thập Giá, và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thập Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta có thể là người sống ở đời, là những Giám Mục, là những Linh Mục, là những Giáo Hoàng, nhưng chúng ta không phải là môn đệ của Chúa.
Tôi ước muốn tất cả chúng ta, sau những ngày hồng ân này, có sự dũng cảm, một sự dũng cảm thật sự: để bước đi trong sự hiện diện của Chúa, cùng với Thánh Giá của Chúa; để xây dựng Giáo Hội với máu của Chúa, máu đã đổ ra trên Thập Giá; và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Và như thế Giáo Hội sẽ tiến tới.
Tôi xin chúc mừng tất cả chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Mẹ của chúng ta, được Chúa Thánh Thần ban tặng hồng ân này: bước đi, xây dựng, và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô vác Thập Giá.
Tuân Phục chuyển ngữ